MIỀN NAM ĐÓN TẾT KHÁC MIỀN BẮC - THÂN DẬU NIÊN LAI KIẾN THÁI BÌNH

 

 

Video THÂN DẬU NIÊN LAI KIẾN THÁI BÌNH Sấm Trạng Trình 

 

 

 

TT Reagan bắt tay Donald Trump (bây giờ là Tổng Thống Hoa Kỳ)

 

 

Miền Nam đón TẾT khác Miền Bắc như thế nào ?

   Cùng một nguồn gốc, cùng nói một ngôn ngữ giống nhau mà thú vị thay cách đón Tết ở hai miền Nam - Bắc Việt Nam lại có nhiều sự khác biệt. Sau đây là những nét khác biệt dễ nhận thấy nhất trong cách đón Tết Nguyên Đán giữa hai miền Nam - Bắc chúng ta.

1.-Món ăn đặc trưng

   Bánh Chưng, Bánh Tét là món ăn ngày Tết không thể thiếu trong mâm tất niên cúng tổ tiên và cũng là món quà Tết truyền thống của người Việt. Nguyên liệu để làm hai thứ bánh này tương đối giống nhau, cách nấu cũng giống nhau, mục đích sử dụng giống nhau nhưng hình dáng bên ngoài khá khác nhau.

 

Bánh Tét      -      Bánh Chưng

   Bánh Chưng miền Bắc có hình vuông, tượng trưng cho đất mẹ màu mỡ, sung túc. Bánh Chưng thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Và khi biếu nhau tặng Bánh Chưng thì người Bắc có lệ tặng một cặp bánh chứ không tặng một cái lẻ.

   Bánh Tét Miền Nam có hình ống dài, có nơi gọi là bánh đòn (gánh mấy đòn bánh tét). Bánh Tét biểu trưng cho sức sống, sự trường tồn, sự hùng mạnh.

 

2.-Thịt Đông, Thịt Kho Tàu

   Có câu ca dao: “Số cô chẳng giàu thì nghèo, ngày Ba Mươi Tết thịt treo trong nhà”, để nói lên phong tục của người Việt, dù như thế nào thì ngày Tết cũng phải ăn ngon, ăn nhiều. Do đó món thịt là món ăn luôn có mặt trong nhà của người dân Việt. Tuy cùng là món thịt nhưng lại có sự khác nhau trong cách chế biến giữa hai Miền Nam - Bắc.

   Người Miền Bắc ăn Thịt Đông. Thịt Đông, dễ nấu và dễ ăn. Chế biến món này đơn giản không cầu kỳ như những món Tết truyền thống khác. Thịt Đông ăn với cơm tẻ, bánh chưng, cùng một chút dưa cải, hành muối chua thì ai cũng đều cảm nhận đó là tiết Đông, là đất trời đã chuyển sang Xuân. Ăn Thịt Đông thể hiện sự ấm áp và giàu có trong cả năm dù trời có lạnh rét đến mức nào.

 

 

   Người Miền Nam luôn có món Thịt Kho Tàu (hay còn gọi là món Thịt Kho Trứng) vào ngày Tết cổ truyền. Chữ "Tàu", ở đây, theo nghĩa của người Miền Nam là “lạt”. Như vậy Thịt Kho Tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa, mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt. Món Thịt Kho Tàu với miếng thịt vuông, quả trứng tròn biểu hiện cho tính hài hòa âm dương, sự vuông tròn cho cả năm.

 

 

3.-Món ăn đi kèm

   Miền Bắc ăn kèm với Bánh Chưng là món dưa hành chua chua, cay nhẹ. Bên cạnh đó khi có bạn bè hay khách tới chơi, người Miền Bắc sẽ đãi khách bằng món nem rán thơm lựng (có nơi gọi là chả giò).

 

 

   Còn Miền Nam, ăn kèm với Bánh Tét là món dưa giá, kiệu muối chua, dưa góp. Tới thăm nhà, chúc tết ngày đầu năm, người Miền Nam sẽ đãi bạn món bún chả giò đậm đà hương vị.

 

 

4.-Về loài hoa biểu tượng ngày Tết

   Đào và Mai là hai loại cây gắn bó với Tết của người Việt Nam đã hàng nghìn hàng vạn năm. Nếu như ở mảnh đất Phương Nam xa xôi Hoa Mai kiêu hãnh khoe mình trong nắng, thì trong tiết trời se lạnh của Miền Bắc có Hoa Đào góp phần làm xua tan cái giá rét của mùa đông.

   Hoa Đào có màu đỏ sẽ mang lại sự may mắn cho cả năm. Cây Đào còn được xem như là một cây để trừ tà, đuổi ma quỷ và mang lại sự an lành, hạnh phúc và thịnh vượng cho gia chủ.

   Hoa Mai màu vàng, có mùi thơm, e ấp và kín đáo. Hoa Mai là biểu tượng cho sự may mắn, cành Mai vàng vừa đẹp lại vừa mang lại nhiều may mắn.
 

5.-Mâm ngũ quả đầu năm

   Màu sắc của mâm thường hay tuân theo ngũ hành. Các loại quả dùng thường mang các sắc màu theo quan niệm là có tính may mắn, sung túc.

   Mâm ngủ quả Miền Bắc gồm: chuối, bưởi, ớt, hồng, quất với ý nghĩa như sau: chuối xanh cong lên ôm lấy bưởi mang ý nghĩa đùm bọc. Nói chung, người Miền Bắc không có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả và hầu như tất cả các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc.

 

 

   Còn mâm ngũ quả Miền Nam bao gồm các loại quả: mãng cầu, quả sung, dừa, đu đủ, xoài với ý nghĩa: Cầu sung vừa đủ xài. Và mâm ngủ quả ở Miền Nam thường lớn hơn so với mâm ngũ quả Miền Bắc.

 

 

   Tuy nhiên, dù là hơi khác nhau trong Văn Hóa Tết nhưng đó là những nét truyền thống đáng quý cần được phát huy, để Tết Nguyên Đán của người Việt mãi mãi xanh tươi, phong phú và đa dạng như chính bản thân những gì tượng trưng cho ngày Tết đến Xuân về trên Quê Hương Việt Nam.

 

 

Cám ơn quí vị đã theo dõi chương trình của Diễn Đàn Giáo Dân

Xin Thiên Chúa chúc phúc lành đến quí vị.